Giá trị nội dung và nghệ thuật Từ_Thức_(vở_chèo)

Có ý kiến nghiên cứu nhận định rằng chèo thiên về tính nữ thì ở vở chèo Từ Thức nhận định này lại là không đúng. Nghệ thuật sân khấu chèo diễn tả tình cảm nội tâm đậm chất trữ tình của nhân vật, cốt truyện tới nhân vật, tới làn điệu chèo. Vở chèo với nội dung chính là tình yêu giữa Từ Thức và Giáng Hương, giữa người trần và tiên, đã tạo nên một câu chuyện cổ tích đầy tính thơ và huyền ảo. Người xem cảm nhận rõ tính “trữ tình” qua những làn điệu dân thiết tha, gần gũi, dễ làm rung động lòng người. Bối cảnh sân khấu chính của vở chèo là cảnh thiên nhiên, sông núi quê hương nên thơ càng tăng thêm chất trữ tình.

Về nghệ thuật sân khấu – Bối cảnh sân khấu, trang phục, đạo cụ biểu diễn: Toàn bộ vở kịch được trình diễn trên một sân khấu và không có đoạn thay màn diễn. Khung cảnh được xây dựng là cảnh núi cao, mây trắng, đó là khung cảnh tiên giới. Trên sân khấu cũng không có nhiều đạo cụ, mọi đồ vật gần như là do hành động của nhân vật tạo nên. Chẳng hạn như lúc Giáng Hương và Từ Thức uống rượu giao bôi, trên tay họ không có chén mà họ tạo hình bàn tay như đang cầm chén. Các cảnh trang trí, trang phục, đạo cụ biểu diễn gần như đã phác họa tính cách nhân vật một cách rõ nét. Nhân vật Từ Thức khăn xếp, áo the thể hiện rõ khí chất người có tài, con người đĩnh đạc, chỉn chu. Nhân vật hề áo nâu, có phần lôi thôi thể hiện rõ chất dân dã, xuề xòa. Nhân vật Giáng Hương và các nàng tiên váy lụa thiết tha yểu điệu.

Trong trích đoạn chèo “Từ Thức gặp tiên”, chiếc quạt trong tay nhân vật Từ Thức được sử dụng vô cùng linh hoạt, khi là mái chèo mở đầu vở diễn, lúc là phong thư không bị gò ép vào bất cứ một hình thức nghệ thuật nào trên sân khấu. Với nhân vật hề, đạo cụ là gậy gỗ, chiếc gậy trong tay anh hề khi theo hầu cậu khi dùng để quấn túi hành trang, khi cắp nách, lúc cầm ở tay lúc lại để múa để đùa nghịch, vui cười. Bản năng sáng tạo của người nghệ sỹ đã làm cho chiếc gậy trở nên có thần, nó vô tri mà chứa đựng sức sống mang lại được tiếng cười sảng khoái.

Trong vở chèo này, dân gian đã xây dựng một nhân vật Từ Thức với vẻ ngoài thư sinh tri thức, có học với những cử chỉ vô cùng tao nhã; khuôn mặt và vóc dáng nhã nhặn; cách nói chuyện lịch sự, ngữ điệu nhẹ nhàng, không cường điệu. Trong phần đầu khi trên sân khấu chỉ có Từ Thức và Hề, lời thoại của Từ Thức khá ít, chủ yếu gây chú ý ở vẻ bề ngoài hết sức lịch thiệp. Chỉ đến phân đoạn cuối khi gặp Giáng Hương, chàng mới có dịp thể hiện những phẩm chất và bày tỏ lòng mình. Giáng Hương, là nhân vật nữ chính của vở chèo tuy xuất hiện khá muộn nhưng cũng đã thể hiện được phần nào tính cách và tấm lòng của nàng. Với những cử chỉ yểu điệu, e lệ, nàng là một cô gái tuyệt sắc. Sau lần được Từ Thức cứu giúp tại chùa, nàng đã đem lòng cảm mến chàng và có mong muốn cùng chàng nên duyên. Để xây dựng nên một Giáng Hương đẹp người đẹp nét, dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, mang hơi hướng của truyện cổ tích.

Trong trích đoạn chèo “Từ Thức gặp tiên”, nhân vật hề xuất hiện là hề gậy. Hề là nhân vật có nhiều lời thoại và gây được nhiều sự chú ý nhất. Với ngữ điệu cường điệu hóa, có những sự việc rất đỗi bình thường nhưng qua lời kể của Hề nó lại thành một câu chuyện vô cùng thú vị: “Con mắc dở khai đao hai vợ chồng con chó chuộc nó đẻ nhau làm nát cái ao rau cần con mới bắt nó ra xé xác phanh thây để tăng trình lột thảm”. “Khai đao, xé xác phanh thây” mặc dù là những động từ rất mạnh mẽ nhưng lại được hề nói ra như thể đó là ngôn ngữ thông thường. Thêm nữa, những lí giải của Hề về các sự việc cũng rất trẻ con, rất thuần. Hề cho rằng: “Người ốm thì da xanh ngăn ngắt vậy nên trời xanh nghĩa là trời đang ốm”. Đó là những suy nghĩ hết sức tự nhiên, thấy gì nói ấy. Hay như cách nói ngược thời gian: Kêu đau vì bị ngựa đá nhưng hóa ra là con ngựa nó hẹn mai ra cổng mới đá làm cho người xem cảm thấy rất thú vị. Không chỉ tạo sự hài hước bằng những suy nghĩ ấy, hề còn gây tiếng cười với những lối chơi chữ trong dân gian như “ba vợ” là “vơ bạ”; “vợ con” là “còn vơ”.

Với “Từ Thức gặp tiên” vở chèo mang một nét đặc sắc riêng, một phong cách nhẹ nhàng hơn, mang lại cho người nghe những tiếng cười nhưng ẩn sau đó là những giá trị đạo đức sâu sắc. Tiêu biểu ở đoạn cuối vở chèo, khi Từ Thức cùng Giáng Hương và các nàng tiên múa, say ca thưởng rượu, âm thanh chèo là sự hòa tấu các nhạc cũ có tiếng trống cơm bập bùng, tiếng nhị réo rắt, tiếng trống con kết hợp hài hòa tạo thành một bản nhạc đậm chất trữ tình, xao xuyến lòng người. Vở chèo “Từ Thức gặp tiên” là sự ngợi ca tình yêu giữa trần và tiên, vẽ lên một cõi mơ mộng cổ tích, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng của dân gian “ở hiền gặp lành/ ác giả ác báo”. Đồng thời, nó còn khắc họa rõ nét khát vọng của nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về cõi tiên, mong muốn một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Không chỉ vậy, vở chèo còn vẽ nên bức tranh phong cảnh hữu tình nên thơ của quê hương đất nước, tấm lòng son sắc với quê hương của Từ Thức, thể hiện lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Từ_Thức_(vở_chèo) https://tuoitre.vn/can-co-quy-che-khuyen-khich-suu... https://web.archive.org/web/20110826230201/http://... http://www.lukhach24h.com/listing/dong-tu-thuc.htm... https://www.youtube.com/watch?v=-9_JSYzlX10 https://www.youtube.com/watch?v=o6WdIadWotg https://baotuyenquang.com.vn//van-hoa/tin-tuc/nsnd... http://nhahatcheovietnam.vn/gioi-thieu/bang-vang-t... https://www.youtube.com/watch?v=JOXZ2rjbsq4 https://web.archive.org/web/20211219061419/http://...